Bỏ qua nội dung

“Con cha cháu cụ” – xã hội học, tự lập và tự trọng

Tháng Mười Hai 20, 2017

Les fils à papa –  la reproduction sociale, l’autonomie et le respect de soi des enfants

.

Bài này đã lên trang VHNA số 319, phát hành ngày 25.06.2016 và đã đăng trên Diễn Đàn Khai Phóng ở đây

“Con cha cháu cụ” – xã hội học, tự lập và tự trọng

Nhân thời sự mấy ngày gần đây nên đăng lại

.

Chuyện con bí thư tỉnh ủy, con của Thủ tướng, của Bộ trưởng được bổ nhiệm vào chức vụ cao, thăng quan tiến chức nhanh, … làm một vài bạn trẻ tò mò muốn biết tình hình ở Bỉ.

Cha truyền con nối ở Bỉ có chứ.

Thứ nhất là vua Philippe hiện nay là con của vua Albert II trước đó. Nhưng vua ở Bỉ không có quyền chính trị. Vì truyền thống, dân Bỉ phải “nuôi” cả Hoàng tộc và sự việc hiện vẫn chưa thay đổi.

Ngoài chuyện của vua, tức là chuyện cha truyền con nối theo nghĩa đen, trên chính trường ở Bỉ cũng có những gia đình làm chính trị từ ít nhất là hai thế hệ. Ta có thể kể,

. ông dân biểu Melchior Wathelet, cựu bộ trưởng có cha hồi trước đã là phó Thủ tướng

. ông Thủ tướng Charles Michel là con của đương kim Bộ trưởng Bộ ngoại giao

. ông thị trưởng Frédéric Daerden là con của một cố Bộ trưởng

. ông thị trưởng Alain Mathot là con và cháu nội của hai cố Bộ trưởng

. và còn nhiều thí dụ khác nữa

Nhưng trong một nước mà bầu cử là chuyện tự do được bảo đảm thì vị trí chính trị của con không phải là do cha quyết định.

Thị trưởng, tỉnh trưởng và dân biểu được bầu trực tiếp. Thủ tướng, dù không được bầu trực tiếp bởi dân chúng, người đảm nhiệm chức vụ này phải được chỉ định và được tín nhiệm bởi tập thể nội các. Những chủ tịch các đảng phái cũng phải được đảng viên bầu.

Dân chủ như vậy. Cử tri có quyền lựa chọn và người được bầu thành chính thống, dù người đó là con hay cháu của ai.

.

Dáng dấp” hay thực trạng có vẻ như “cha truyền con nối” giải thích được bởi xã hội học.

Con giống cha vì đó là có ảnh hưởng của giáo dục gia đình, của môi trường sống, của khuôn mẫu mà cha hay mẹ “truyền” cho con. Cộng vào đó là hiện tượng tâm lý: con cái hay bắt chước cha mẹ, xem cha mẹ là thần tượng và lớn lên, đi theo đường lối cha mẹ đã đi.

Con của bác sĩ hay giáo viên mà có theo nghiệp chữa bệnh hay đi dạy cũng là bình thường thôi.

Điều này, các nhà xã hội học gọi là hiện tượng tái tạo xã hội – la reproduction sociale – một khái niệm mà Bourdieu và Passeron đã định nghĩa và minh chứng từ những năm 1960.

Dĩ nhiên, xã hội không lý tưởng, cũng có trường hợp nhờ “vây cánh”, nhờ bạn bè quen biết của bố mẹ mà được vài ưu đãi. Cũng theo Bourdieu, vốn xã hội – capital social – tất cả những “thuận lợi” về liên hệ, họ hàng hay đảng phái, là một trong những vốn mà ta có thể gầy dựng hay thừa hưởng từ gia đình. Con người sinh ra bất bình đẳng là vì đấy.

.

Con ông cháu cha” là lợi dụng vốn xã hội này.

Ở những nơi khác, tuy cá nhân không tùy thuộc nguồn gốc gia đình nhưng sự bất bình đẳng vẫn tồn tại vì có người vẫn là thành công dễ hơn vì biết rõ hơn môi trường, đường đi nước bước và từ đó tập tành để có những khả năng của cá nhân.

Khả năng cá nhân, chính Bourdieu đã miêu tả và gọi đó là vốn tiếp thu – capital incorporé – nhờ sống trong môi trường nên tiếp thu vốn đó một cách tự nhiên. Nếu cha mẹ đã là chính trị gia thì con cái, rất sớm, hấp thụ sinh hoạt, tư cách, thái độ của chính trị gia – savoir être, savoir faire – nên rành rọt hơn người khác.

Phần còn lại là sự lựa chọn của dân tình trong phòng kín của chỗ bỏ phiếu.

Còn gian lận trong bầu cử thì thế nào cũng bị phanh phui và trừng phạt.

Để làm sao cho …”ý dân là ý trời” !

.

Từ những giải thích xã hội học dẫn trên, ta có thể thêm vào, gần như là một cách chơi chữ, rằng ở các nước như Bỉ có những gia đình chính trị vì con cái đi theo đường của cha mẹ – chính trị thành sở trường của con. Nhưng hình thức này hoàn toàn khác chuyện gia đình trị trong đó cha mẹ, lợi dụng chỗ đứng của mình, đặt con cái vào những địa vị quyền lực.

.

Ngoài ra, chuyện cha truyền con nối cũng có thể được phân tích dưới khía cạnh giáo dục , về chuyện dạy con chẳng hạn.

.

Tiếng Pháp có câu “Eduquer, c’est libérer”. Giáo dục là giải phóng. Giải phóng trẻ khỏi ngu dốt, khỏi tất cả các lệ thuộc trong đó lệ thuộc cha mẹ cũng là một … thiếu tự do.

Thế nên, khi đã được “giải phóng”, tức là đã được giáo dục và thành tự lập, trẻ không bao giờ chấp nhận cha mẹ ”làm cỗ sẳn cho mình xơi”, chúng tự lập và đòi quyền tự quyết, tự quản.

.

Như thế, dạy con là làm sao cho chúng có khả năng đi được trên hai chân của mình. Cha mẹ mà phải lo “chạy” chỗ đứng cho con, một phần là vì con không đủ “vốn liếng bản thân, tôi luyện” để tự tìm được cho mình một địa vị đàng hoàng.

.

Còn con cái mà có chút tự trọng thì không bao giờ cậy chức vị của cha mẹ để … thành công. Cậy trên “chạy chọt” của cha mẹ tức là chứng tỏ rằng mình thiếu tài hay thiếu sức!

.

Nói cho cùng thì chuyện chạy quyền chạy chức cho con là lời thú nhận cho hai thất bại: thất bại của cha mẹ không dạy cho con tự lập và thất bại của con, thiếu tự trọng đến nỗi phải cậy nhờ thế lực của cha mẹ.

.

Nguyễn Huỳnh Mai

Viết thêm:

Bài này vạch rành rọt vấn đề lạm dụng quyền lực trong việc “cha truyền con nối” – Thực chất vẫn là bố bổ nhiệm con :

http://viettimes.vn/viet-nam/phap-luat/thuc-chat-van-la-bo-bo-nhiem-con-63395.html

 

Đã đóng bình luận.